Những Xu Hướng Thiết Kế Kiến Trúc Trong Năm 2021

  25/01/2021


Xu Hướng Kiến Trúc Trong Năm 2021

"Bạn không thể tạo ra kiến ​​trúc của ngày mai mà bỏ quên kiến ​​trúc của ngày hôm qua, hôm nay" - Winston Churchill
Kiến trúc luôn là sự hòa hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Có thể đối với một năm đầu của thập kỷ đầy biến động như 2021 sẽ cho ra đời các trường phái kiến trúc mới. Nhưng các giá trị truyền thống vẫn và sẽ luôn là nền tảng cốt lõi trong kiến trúc.
Cần lưu ý rằng, kiến trúc ngày nay là một loại hình phản ánh xu hướng xã hội. Do đó, việc sử dụng các vật liệu tái chế, các nguồn năng lượng thay thế, và có tác động nhỏ đến môi trường sẽ được quan tâm hàng đầu, và luôn là xu hướng trong tương lai.
Chính vì vậy, xu hướng thiết kế kiến trúc trong năm 2021 và vài năm tới chắc chắn không phải là tách biệt với thiên nhiên, mà là sự hòa hợp với môi trường xung quanh, hướng đến sự thoải mái và hài hòa với nội tâm của người sử dụng.

1. Phong cách Industrial (công nghiệp)

Phong-cach-Industrial
Phong cách Industrial bắt nguồn từ Mỹ vào những năm 40 của thế kỷ trước, khi các tòa nhà công nghiệp bỏ hoang do việc chuyển xưởng sản xuất sang các nước thứ 3, được tái sử dụng làm nhà ở, các khu dân cư.
Theo thời gian, những tòa nhà như vậy trở thành trào lưu bởi những lợi thế kiến trúc độc đáo như không gian mở thoáng đãng, ánh sáng tự nhiên tuyệt vời và trần nhà cao, và rồi các tính năng đó đã tạo thành một hướng đi riêng trong xây dựng.
Phong cách công nghiệp ngày nay linh hoạt và gần gũi hơn, dễ dàng thích ứng với các ngôi nhà khác nhau ở mọi quy mô.

Phong-cach-Industrial
 

Một số đặc điểm của phong cách Industrial


- Đường nét và hình khối góc cạnh rõ ràng, sắc nét, đối xứng hoàn hảo và mái bằng
- Cửa sổ được mở rộng để có góc nhìn toàn cảnh.
- Sử dụng vật liệu thô : gạch, bê tông, kính, kim loại, gỗ, đá,..

2. Phong cách tối giản phát triển lên cấp độ mới


"Cách đơn giản để tạo nên một kiến trúc tuyệt vời là loại bỏ tất cả các phần không cần thiết" - Michaelangelo (Danh họa, nhà điêu khắc, nhà thơ và là một kiến trúc sư vĩ đại ở thời kỳ Phục Hưng).
Chúng ta có thể thấy rằng, phong cách tối giản đã nhen nhóm từ một thời kỳ xa xưa. Có lẽ, sâu trong tiềm thức mỗi con người sự tối giản đã trở thành chân phương mà chúng ta đang tìm kiếm. Bạn có thể bắt gặp chủ nghĩa tối giản len lõi ở bất cứ đâu trong: âm nhạc, văn học, hội họa,... và kiến trúc là nơi mà chủ nghĩa tối giản đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn trực quan và chân thực hơn bao giờ hết.
Đến những năm 50 của thế kỷ trước, chủ nghĩa tối giản trong kiến trúc đã phát triển một cách rất mạnh mẽ, và tạo ra những bức phá ngoạn mục, vào những năm gần đây nó lại càng phổ biến do các tính năng đặc trưng phù hợp và hài hòa với cuộc sống hiện tại.
Dự đoán rằng, phong cách tối giản sẽ vẫn còn phát triển mạnh mẽ và sẽ luôn là top dẫn đầu xu hướng kiến trúc cho các năm tiếp theo

thiết kế kiến trúc tối giản
 

Một số đặc điểm của phong cách tối giản


- Chủ yếu là các hình khối chặt chẽ.
- Sân thượng và hiên rộng
- Ngoại thất thường được sử dụng các vật liệu như bê tông, đá, kim loại, gạch men, tấm composite
- Cửa sổ toàn cảnh không có song sắt, cửa sổ kính màu, vách ngăn bằng kính hoặc tường.
- Màu sắc trung tính nhẹ nhàng, hài hòa với tự nhiên: trắng, be, xám, nâu vàng, xanh lá.


3. Phong cách kiến trúc sinh thái kết hợp với các giải pháp xanh

kiến trúc sinh thái
Có thể nói rằng, trong nhiều năm qua các kts đã tích cực đóng góp những ý tưởng gần gũi với thiên nhiên nhất có thể. Vì vậy, dự đoán vào năm 2021, sẽ có một bước phát triển nhảy vọt giữa kiến trúc sinh thái kết hợp với các giải pháp xanh.

Một số đặc điểm của kiến trúc sinh thái


- Phủ xanh mặt tiền theo mặt đứng và cả mặt ngang với các loại cây chuyên dụng
- Sử dụng các vật liệu tự nhiên, tái chế trong trang trí và xây dựng.
- Sử dụng công nghệ, thiết bị, nguyên liệu thân thiện với môi trường hơn. Giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

kiến trúc sinh thái


4. Cải tạo và phục hồi các tòa nhà cũ


Xu hướng cải tạo và sửa chữa nhà cũ không thể được gọi là cách mạng vì nó đã phát triển tích cực trong thập kỷ qua, và hứa hẹn sẽ còn được phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Việc khôi phục các tòa nhà dân cư hay nhà công nghiệp cũ bị bỏ hoang giúp giải quyết những vấn đề vô cùng cấp bách trong thế giới hiện đại :
- Giảm tỷ lệ phát triển quá mức của các khu dân cư
- Bảo tồn giá trị văn hóa và quy luật kiến trúc của thành phố
- Giảm mức độ ô nhiễm môi trường


5. Nhà thông minh

 

smart-home
Trong thời đại công nghệ, các hệ thống nhà thông minh được ưu tiên hàng đầu. Các thiết bị thông minh cung cấp hệ thống điều hòa không khí và gió chất lượng cao, điều khiển hệ thống chiếu sáng và các thiết bị gia dụng khác một cách dễ dàng, và quan trọng hơn hết là sự an toàn được đặt lên tối đa. Thậm chí, những công nghệ như vậy giúp tiết kiệm tối đa mức tiêu thụ năng lượng cho ngôi nhà, qua đó giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.


6. Nhà thụ động (Passive house)

thieets kế nhà thụ động (passive house)
Nhà thụ động (Passive house) hiện nay đã được ứng dụng tại Việt Nam, mặc dù đây là xu hướng kiến trúc mới. Mục đích của xu hướng này là giảm tiêu thụ năng lượng càng nhiều càng tốt, chủ yếu là bằng cách giảm sự mất nhiệt của tòa nhà, bằng cách sử dụng các kỹ thuật sau:
- Thiết kế nhỏ gọn và cân đối các tỷ lệ bên ngoài và bên trong của tòa nhà.
- Sử dụng các biện pháp cách nhệt hiệu quả và chất lượng cao.
- Công trình phải đảm bảo độ kín hơi, ngăn chặn các tác động từ bên ngoài vào không gian bên trong như bức xạ và không khí nóng (mùa hè) hoặc không khí lạnh (mùa đông).
Về nguyên tắc, một ngôi nhà thụ động lý tưởng sẽ không mất chi phí làm mát hay sưởi ấm. Chính con người và các thiết bị gia dụng là nguồn cung cấp nhiệt cho ngôi nhà, các giải pháp kiến trúc cân bằng giúp ngôi nhà có khả năng làm mát, đưa không khí đến nhiệt độ dễ chịu.

Kết luận

Có một điều mà chúng ta có thể nhận thấy rằng, dù xu hướng thiết kế kiến trúc theo phong cách nào đi nữa thì nó cũng tiến dần về sự tối giản, đó không còn đơn thuần là một phong cách, mà là một chủ nghĩa. Chủ nghĩa của sự tinh tế!

"Đơn giản là sự tinh tế cuối cùng." -  Leonardo da Vinci


Kiến Thái. JSC - Thiết kế nhà Đà Nẵng

Tin liên quan